1.2 Kim loại- Thép
Thép là vật liệu phát thải nhiều ra môi trường do khi sản xuất, công nghệ luyện thép sử dụng nhiều hóa chất có hại cho môi trường và tiêu tốn nhiều năng lượng cũng như phát thải một lượng lớn dioxide carbon
Khi sử dụng vật liệu thép trong kiến trúc xanh cần: tiết chế việc sử dụng thép trong công trình xây dựng, nên dùng các cấu kiện thép hợp kim trọng lượng nhẹ dễ bảo dưỡng, sử dụng các cấu kiện tiền chế, có khả năng tái sử dụng, thiết kế liên kết dạng vít để giảm sử dụng que hàn, điện.
1.3 Gỗ
Dùng gỗ theo quan điểm kiến trúc xanh là sử dụng gỗ từ rừng trồng, lấy lượng CO2 được cây hấp thụ do quá trình sinh trưởng của rừng trồng bù đắp lượng CO2 tiêu thụ trong sản xuất, xử lý vật liệu gỗ. Gỗ rừng trồng chất lượng kém gỗ tự nhiên nên thường phải dùng dưới dạng ván công nghiệp ép theo công nghệ gia nhiệt hoặc không gia nhiệt. Cần khuyến khích các vật liệu gỗ ép không gia nhiệt để hạn chế ô nhiễm từ quá trình sản xuất vật liệu.
Tuỳ thuộc vào kích thước sợi gỗ mà người ta phân ra ván dán, ván dăm, ván sợi. Ván sợi đang ngày càng phát triển mạnh vì có nhiều tính năng gần gỗ tự nhiên. Ván sợi keo hữu cơ gọi là MDF (Medium Density Fiberboard) được dùng làm khung và cánh cửa, ốp tường, lát sàn, vách ngăn trong nhà. Loại ván sợi keo xi măng gọi là ván xi măng sợi – FCB (Fiber Cement Board) được dùng ốp tường, ốp trần, vách ngăn, lát sàn trong và ngoài nhà.
1.4 Kính
Sử dụng vật liệu kính cần tránh làm hao phí năng lượng sưởi ấm, làm mát cũng như tác động bất lợi từ môi trường khí hậu bên ngoài vào nhà. Ngoài kính phản quang, kính dán, trong kiến trúc xanh có thể dùng: Kính bảo ôn, gồm nhiều lớp, giữa có khí trơ,cách âm cách nhiệt tốt; Gạch kính, là hộp thuỷ tinh rỗng khuyếch tán ánh sáng, giảm chói; Kính low-e, mặt phủ kim loại hoặc ô xít kim loại cản bức xạ sóng dài của mặt trời giảm được 25-49% nhiệt lượng vào nhà mùa hè, chống mất nhiệt mùa đông. Kính low-e cao cấp có 2 loại phủ cứng và phủ mềm.
1.5 Tre
Sản phẩm từ tre ít tác động lên môi trường cả trong khi sử dụng lẫn khi thải loại, tốc độ tăng trưởng nhanh (<7 năm), giữ đất khỏi bị xói mòn, sản sinh lượng khí ôxy nhiều hơn gỗ 35%, hấp thụ gấp 4 lần khí dioxid carbon.Tre có độ co ngót lớn, nhạy cảm với biến thiên độ ẩm, dễ bị côn trùng, nấm mốc, dễ cháy, vì vậy, trong xây dựng tre phải qua xử lý theo dạng chẻ nhỏ, ép khối nhiều lớp dạng ép nghiêng hoặc ép ngang . Tre ép tạo ra vật liệu
mới cứng hơn gỗ 25% và độ đàn hồi tốt hơn.
1.6 Tấm lợp
• Tấm lợp thông dụng
Vật liệu lợp thông dụng trong xây dựng nhà ở hiện nay có nhiều nhược điểm, để khắc phục, người ta sử dụng vật liệu hỗ trợ cách âm cách nhiệt gồm:
– Túi khí cách nhiệt: cấu tạo bởi lớp nhôm nguyên chất phủ lên tấm nhựa tổng hợp chứa các túi khí, là loại vật liệu an toàn và thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng.
– Bông thủy tinh cách nhiệt và bông khoáng : hấp thụ nhiệt bức xạ và ngăn truyền nhiệt, khúc xạ nhiệt, cách âm, giảm thiểu độ ồn khi trời mưa.
• Tấm lợp sinh thái
– Tấm lợp sinh thái chế tạo từ sợi hữu cơ tổng hợp và nhựa Bitum được xử lý dưới nhiệt độ, áp suất cao nên nhẹ, không độc hại, tính năng cơ lý tốt.
– Tấm lợp sinh thái acrylic sản xuất từ cellulose, chất chống thấm asphalt và acrylic, có khả năng chống thấm nước và phản xạ bức xạ nhiệt tới 98%.
– Tấm lợp sinh thái lấy sáng làm bằng polyester gia cường sợi thuỷ tinh : làm bằng sợi thủy tinh kết hợp với polyester cho ánh sáng xuyên qua từ 60% tới 85% ,có khả năng tự làm sạch và có chất chống tia cực tím.